Sumedha, một người trí tuệ được thừa hưởng gia tài đồ sộ từ song thân để lại khi họ qua đời. Nhận thức được sự vô thường của cuộc đời, ông bố thí hết của cải và trở thành một nhà tu khổ hạnh trong rừng. Chẳng bao lâu sau, ông tinh thông thiền định và trở nên nổi tiếng về năng lực thần thông của mình.
Khi thầy tu khổ hạnh Sumedha biết Đức Phật Dipankara sẽ đến thành phố Rammavati, ông tham gia làm đường để cho Đức Phật đi với lời nguyện rằng với sự cúng dường này ông xin được trở thành một vị Phật trong tương lai. Ông đang làm đường thì Đức Phật đi đến, và ông quyết định phải hoàn thành cho con đường dở dang vì vậy ông nằm sấp xuống, úp mình trên một chỗ trũng đầy bùn, để hoàn thành lời nguyện của mình.Quỳ gần bên Sumedha là một thiếu nữ tên có tên Sumitta. Cô đang cầm tám nhánh hoa sen trong tay. Cô trao cho nhà tu khổ hạnh năm nhánh hoa và giữ ba nhánh dành cho nguyện ước riêng của mình. Đức Phật Dipankara thấy vậy và thọ ký cho nhà tu khổ hạnh Sumedha trở thành một vị Phật trong tương lai đồng thời tuyên bố rằng nàng Sumitta sẽ là người bạn đồng hành và đồng thời là người vợ của ông trong muôn kiếp sống.
Tiền thân của Ðức Phật Gotama là Ðức Bồ Tát Setaketu ở cõi trời Tusita (Ðâu xuất đà thiên). Khi ấy, chư thiên, Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới đến kính thỉnh Ngài giáng sanh làm người, để trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác tế độ chúng sinh. Ðức Bồ Tát Setaketu quán xét 5 điều: Thời kỳ tuổi thọ con người, châu để tái sanh, quốc độ tái sanh, dòng dõi tái sanh, thời gian tuổi thọ Phật mẫu đã đủ nên nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, Phạm thiên.
Tại khu vườn Lumbini ở Nepal, vào ngày Vesak trăng tròn, Hoàng tử mới đản sanh bước trên bảy đóa sen và chỉ tay về phía bắc và nói, “AGGOHAM ASMI LOKASSA” nghĩa là “Ta là bậc tối thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh”. Sự ra đời của Hoàng tử đã đem lại niềm hân hoan tột bậc cho hai bậc sinh thành vương giả của Ngài, vua Suddhodana và hoàng hậu Maha Maya, cùng toàn thể chư thiên và nhân loại.
Cuộc hôn nhân của Thái tử Siddhattha và công chúa Yasodhara (tên thật là Badda Cancana ) do vua cha Suddhodana đứng ra tổ chức tại Cung Vàng. Đây là một tòa lâu đài tráng lệ đầy đủ mọi tiện nghi của cuộc sống. Hôn lễ kéo dài trong nhều ngày.
Trong chuyến đi du ngoạn vườn thượng uyển, Thái Tử Siddhattha chứng kiến bốn sự kiện: Một người già, một người bệnh, một tử thi và một tu sĩ đang ngồi thiền thật trang nghiêm, thanh tịnh. Việc này đã làm cho Thái Tử nhận thức được sự bất toại nguyện của cuộc sống và thúc giục Ngài từ bỏ cuộc sống thế tục.
Ác Ma Thiên, cố gắng không ngừng để ngăn cản Thái Tử Siddhattha xuất gia vào lúc nửa đêm nhưng không thành công. Thái Tử Siddhattha cỡi Kanthaka, con ngựa Ngài yêu thích nhất, cùng với Channa, người hầu trung thành của mình ra khỏi hoàng cung. Ác Ma Thiên nói với Thái Tử rằng nếu Ngài không xuất gia, Ngài sẽ trở thành bậc Chuyển luân thánh vương sau bảy ngày tới.
Thái Tử Siddhattha cắt tóc và từ bỏ đời sống thế tục tại bờ sông Anoma. Đức vua trời Sakka đem hộp bằng ngọc đựng nắm tóc của Ngài và tôn thờ tại ngôi bảo tháp Culamani tại cung Tam thập tam thiên. Tương tự, vị Đại Phạm thiên Ghatikara đem y phục thái tử của Ngài lên cõi trời Sắc cứu cánh và thờ trong ngôi bảo tháp Dussa. Vị Ðại Phạm thiên Ghatikàra kính dâng thầy tu khổ hạnh Siddhattha 8 món đồ dùng của Sa môn. Ngài ra lệnh cho Channa đem đồ trang sức của Ngài về cung.
Bồ tát thực hành sáu năm khổ hạnh và thiền định với sự kiên định và tinh tấn trước khi đạt đến sự giác ngộ. Mặc dù Ngài gầy yếu chỉ còn như một bộ xương, Ngài vẫn tinh tấn hành đạo.
Bồ tát đang ngồi trên ngôi bồ đoàn quý báu dưới gốc cây Bồ đề và Ác Ma thiên cỡi voi Girimekhala hung dữ đến thách thức Ngài. Ác Ma thiên cố gắng dành ngôi bồ đoàn quý báu trước khi Ngài đạt được sự giác ngộ.
Vào ngày Vesak trăng tròn, Bồ tát Siddhattha ngồi dưới cội cây Bồ đề tại Gaya, và chứng đắc Giải thoát tối thượng. Vào canh một, Ngài chứng đắc Túc mạng minh, Ngài có khả năng nhớ rõ tiền kiếp. Vào canh hai, Ngài chứng đắc Thiên nhãn minh, Ngài có thể nhìn thấy tương lai, biết rõ sự tử, sự sanh của mỗi chúng sinh do bởi nghiệp – quả nào. Vào canh ba, Ngài diệt đoạn tuyệt vô minh và trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vào tuần thứ bảy sau khi đạt được sự Giác ngộ, hai anh em thương gia Tapussa và Ukkalapa đi ngang qua chỗ Đức Phật ngồi và thấy Ngài. Họ cúng dường ngài lương thực dự trữ của họ (những chiếc bánh mật), và rồi Đức Phật cho họ tám sợi tóc trên đầu của Ngài như là những vật linh thiêng để tôn thờ. Xá lợi tóc ngày nay được tôn trí tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar.
Tại vườn nai ở Varanasi, Đức Phật gặp năm nhà tu khổ hạnh Kondanna, Vappa, Bhaddiya, Mahanama và Assaji. Ngài đã biết họ từ trước. Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên cho họ. Thầy tu khổ hạnh Kondanna đã là người đầu tiên thấy được ánh sáng của Pháp bảo và đắc quả Dự lưu. Kondanna là vị Bà la môn trẻ nhất tham dự buổi lễ đặt tên cho Đức Phật khi còn là một Hoàng tử mới đản sanh. Sau đó, cả năm vị đều đắc Thánh quả A la hán sau khi nghe Đức Phật thuyết bài Kinh Anatalakkhana (Kinh Vô ngã tướng).
Đức Phật động viên 60 vị Thánh A la hán đệ tử đầu tiên của Ngài đi nhiều phương hướng khác nhau để khác nhau để giảng dạy Giáo Pháp, Ngài dùng những từ sau này trở nên nổi tiếng; – “ Hãy đi! Hỡi các Tỳ kheo, vì lợi lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài Người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỳ kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống thánh thiện, toàn thiện và thanh tịnh…” (Mahavagga 19).
Đức Phật đến xứ Magadha. Khi Đức Phật còn là một vị Bồ tát đi tìm đạo, Ngài đã đến viếng Rajagaha, kinh đô của xứ Magadha, nhà vua trị vì nơi đây là Bimbisara lúc đó đã xin dâng cho Ngài nửa vương quốc, nhưng Ngài từ chối vì Ngài không còn muốn vướng bận đến những dục lạc của thế gian. Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng, nhà vua đắc quả Tu Đà Hườn, thánh quả đầu tiên. Nhà vua quyết định dâng vườn thượng uyển Veluvana (Trúc Lâm ) cho Đức Phật và các đệ tử của Ngài.
Đức Phật thực hiện Thần thông song hành phun lửa và nước đồng thời từ Kim thân của Ngài để dập tắt lòng kiêu căng, ngã mạn của những người bà con thân thuộc lớn tuổi hơn Ngài. Những người này đã suy nghĩ sai lầm rằng vì Đức Phật nhỏ tuổi hơn họ, Đức Phật phải bày tỏ lòng tôn kính đối với họ.
Vào ngày thứ bảy sau khi đến Kapilavatthu, công chúa Yasodhara mặc áo quần bảnh bao cho hoàng tử Rahula. Bà chỉ Đức Phật và bảo : “Nhìn kìa, con trai, vị thầy tu trang nghiêm, thanh tịnh dẫn đầu Tăng đoàn chính là cha của con đó. Hãy đi đến gặp cha và xin cha tài sản thừa kế!” Nghe lời mẹ, Rahula đi đến gặp Đức Phật và hỏi xin gia tài. Thay vì cho con trẻ tài sản thừa kế của thế tục, Đức Phật bảo Đại Đức Sariputta nhận Rahula vào Tăng đoàn để cho Hoàng tử một tài sản tinh thần quý giá hơn thứ của cải đã hỏi xin.
Trong chuyến viếng thăm thành phố Rajagaha sau đó, trên đường đi khất thực, Đức Phật cùng với các đệ tử của Ngài đã gặp vua Bimbisara và gia quyến. Họ quỳ xuống bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài và các vị đệ tử.
Đức Phật thuyết một bài Pháp kêu gọi hòa bình cho hai đội quân của nước Kapilavatthu và Koliya đang dàn trận hai bên bờ sông Rohini. Hai bên chuẩn bị đánh nhau do tranh giành quyền sử dụng nước sông để trồng trọt.
Ni đoàn được thành lập vào năm thứ năm sau khi Đức Phật thành đạo. Sau khi đức Vua Suddhodana băng hà, bà Maha Pajapati Gotami di mẫu của Đức Phật mong ước được gia nhập Giáo hội Tỳ khưu ni. Bà đến gặp Đức Phật lúc này đang ở Kapilavathu và cầu xin Ngài cho phép phụ nữ được nhận vào đoàn thể xuất gia của Đức Phật. Sau khi nghe và từ chối lời thỉnh cầu của bà, Đức Phật trở về Vesali để nhập hạ tại đây. Không nãn lòng vì bị từ chối, bà cạo đầu và khoác áo vàng, cùng với một số mệnh phụ phu nhân dòng dõi Sakya đi bộ đến Vesali. Họ đứng bên ngoài trước cổng một đền thờ trên đỉnh núi nơi Phật đang ngự.
Đại Đức Ananda cố nài xin, cuối cùng Đức Phật cho phép thành lập Giáo hội Tỳ khưu ni sau khi bà và các mệnh phụ phu nhân chấp thuận tuân theo tám giới luật dành cho Ni giới. Kể từ đó, Maha Pajapati Gotami và các mệnh phụ phu nhân dòng dõi Sakya được nhận vào đoàn thể xuất gia của Đức Phật. Về sau, các ni sư Khema và Uppalavanna được chỉ định là hai người đứng đầu Giáo hội Tỳ khưu ni, tương tự như hai ngài Sariputta và Moggalana là hai vị đứng đầu Giáo hội Tỳ khưu.
Sau khi bị Đức Phật đánh bại trong một cuộc tranh luận trực tiếp, ẩn sĩ kiêu ngạo Saccaka từ chối trả lời câu hỏi của Đức Phật. Chỉ khi Saccaka bị đức vua Trời hóa thành một dạ xoa cầm cái chùy kim cang phát ra luồng ánh sáng khiếp người, ngồi trên đỉnh đầu của ông dọa sẽ đánh cho đầu ông vỡ ra làm bảy mảnh vì tính ương ngạnh, ngoan cố thì ông mới chịu nhận sự sai lầm của mình và ngoan ngoãn lắng nghe Đức Phật giảng dạy.
Vào năm thứ bảy sau khi thành đạo, Đức Phật giảng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) tại tầng trời Tavatimsa (Đao lợi). Để đền đáp một cách trọn vẹn công ơn sinh thành đối với người mẹ trước đây của mình, nay đã là thiên nam Santussita, Đức Phật đã thuyết Vi Diệu Pháp cho hàng ngàn chư Thiên và Phạm thiên, những vị này đã đạt được những thánh quả khác nhau sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp.
Những kẻ thuộc giáo phái khác muốn hủy hoại danh tiếng của Đức Phật. Họ bảo Cinca Manvika, một cô gái xinh đẹp vu khống Đức Phật đã làm cho cô mang thai trước một hội chúng đông đảo và trang nghiêm. Đức vua trời Sakka phái một số chư Thiên biến thành những con chuột gặm dây buộc khối gỗ độn dưới lớp trang phục của cô. Khối gỗ rơi xuống chân cô và âm mưu bị phát hiện. Khi những người tham dự pháp hội thấy vậy, họ ném đá và đuổi cô đi. Khi cô vừa bước đi, đất nứt ra và lửa vọt lên bao trùm lấy cô và kéo cô xuống địa ngục Avici (Vô gián)
Vào năm thứ mười sáu sau khi thành đạo, Đức Phật thuần phục dạ xoa ăn thịt người Alavaka. Dạ xoa này co thói quen ăn thịt ít nhất một người mỗi ngày. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, dạ xoa Alavaka từ bỏ thói quen này và tha mạng cho đứa trẻ được dâng cho dạ xoa làm bữa ăn cho ngày hôm đó.
Có một sinh viên trẻ hiền lành đang theo học tại đại học Takkasila tên gọi là Ahimsaka. Những người bạn đồng môn của anh vì lòng ganh tỵ nên đã đầu độc đầu óc của vị thầy bằng cách nói xấu và vu khống anh ta. Kết quả là người thầy đã bị thuyết phục và nói với Ahimsaka hãy đi giết người và kết 1.000 ngón tay trỏ phải của các nạn nhân với nhau thành một vòng hoa để làm học phí. Do nóng lòng muốn thực hiện nghĩa vụ của mình, Ahimsaka đi vào rừng Jalini tại Kosala và bắt đầu mai phục nhằm giết những người bộ hành đi ngang qua đây để cắt lấy ngón tay trỏ phải của mỗi nạn nhân. Ahimsaka dần dần đã hoàn tất vòng hoa của mình chỉ còn thiếu một ngón duy nhất và hắn đã quyết định giết cả mẹ của chính mình để bổ sung ngón tay trỏ phải của bà vào vòng hoa. Tuy nhiên, Đức Phật đầy lòng bi mẫn đã đến ngăn hành động rồ dại của Ahimsaka. Sau nghe Đức Phật thuyết pháp, Ahimsaka thức tỉnh. Ahimsaka sau này được biết đến với tên là Angulimala (vòng hoa bằng ngón tay) đã quy y Phật, gia nhập Tăng đoàn và trở thành một vị Tỳ khưu. Kinh Angulimala, Kinh nói về vị Trưởng lão này rất nổi tiếng trong các nước Phật giáo và Kinh Paritta do Đại Đức Angulimala đọc để chú nguyện cho một phụ nữ sinh khó, thường được các phụ nữ đọc khi lâm bồn để giúp cho việc sinh nở của mình được an toàn và dễ dàng.
Một lần nọ, Đức Phật và các đệ tử của Ngài đi ngang lâu đài của Rồng chúa Nandopananda để đến hồ Anotatta trong lúc Rồng chúa đang tổ chức yến tiệc linh đình với đoàn tùy tùng của mình. Giận dữ vì thấy Đức Phật và các vị đệ tử đi ngang qua cơ ngơi của mình, Nandopananda cuộn mình quanh núi Meru bảy vòng, rồi phồng mang che phủ luôn cả đỉnh núi và phun khói độc để ngăn Đức Phật và các đệ tử của Ngài đến hồ Anotatta. Thấy vậy ngài Maha Moggalana (vị thứ hai trong nhị vị Thượng thủ Thinh văn của Đức Phật) ngay lập tức tự biến thành một con rồng và cũng cuộn mình vòng quanh ngọn núi bao quanh mình Rồng chúa, siết chặt lấy thân hình Nandopananda. Trước sự chứng kiến của Đức Phật và các vị đệ tử, Maha Moggalana cũng bắt đầu phun khói độc làm cho Rồng chúa vô cùng khó chịu. Nandopananda chẳng bao lâu đành khuất phục và nhận thức được sự rồ dại của mình đã tự nguyện quy y Tam Bảo.
Đức Phật chăm sóc vị Tỳ khưu Tissa. Vị Tỳ khưu này bị bệnh nhưng không được các Tỳ khưu khác ngó ngàng tới. Bằng cách làm như vậy, Đức Phật muốn khuyến khích các Tỳ kheo chăm nom và có trách nhiệm lẫn nhau.
Phạm thiên Baka khởi tà kiến tin rằng cõi Phạm thiên Loka là thường hằng và viên mãn nhất. Ông đã bị Đức Phật đánh bại trong một cuộc thi đấu so tài về sức mạnh. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, ông và nhiều Phạm thiên khác đã tìm thấy sự Giác ngộ.
Khi Đức Phật trên đường đi đến thành phố Rajagaha, Devadatta ra lệnh thả voi hung dữ Nalagiri để tấn công Đức Phật. Khi con xong xông về phía Đức Phật, mọi người bỏ chạy bỏ lại một bà mẹ. Bà này do quá hoảng sợ nên đã làm rơi con mình trên mặt đất. Đức Phật rải tâm từ đến voi Nalagiri để làm dịu và và khuất phục nó trước khi con voi kịp chà nát đứa trẻ vô tội.
1- Đức Phật đến Kusinara và nằm giữa hai cây Sala. Đầu Ngài quay về hướng bắc, và Ngài quyết định sẽ không ngồi dậy trở lại nữa. Ngài nói với Tăng đoàn lời khuyên bảo cuối cùng: – “Này các Tỳ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát!” trước khi Ngài nhập Đại Niết Bàn.
2- Vị Phạm thiên Dona chia Xá lợi của Đức Phật thành tám phần bằng nhau và giao cho người đứng đầu của tám bộ tộc. Dona giữ bình đựng Xá lợi bằng vàng cho phần của mình để làm vật thiêng liêng tôn kính.